Bạn đang ở đây

Công nghiệp Yên Bái ảnh hưởng bởi Covid-19

07/04/2020 10:08:48

YênBái - Theo Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, trong quý I/2020, sản lượng khai thác quặng kim loại giảm 26,59%; sản xuất trang phục giảm 7,51%; sản xuất giấy đế giảm 11,74%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,06%...

Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Công ty TNHH Sản xuất bao bì Yên Bái vẫn ổn định sản xuất và có mức tăng trưởng cao.

Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Công ty TNHH Sản xuất bao bì Yên Bái vẫn ổn định sản xuất và có mức tăng trưởng cao.

 

>> Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái giữ ổn định sản xuất trong mùa COVID

 

Tuy sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 3/2020 tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 0,59% so với cùng kỳ là do số ngày sản xuất trong tháng 3 năm nay nhiều hơn trong tháng 2. Song, trong báo cáo vừa được công bố, Cục Thống kê đã nhận định rằng: dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến SXCN. 

 

Vì lẽ thế, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 5,56%, thấp hơn mức tăng 6,21% của cùng kỳ các năm trước. 

 

Phân theo ngành công nghiệp cấp 2 thì một số ngành sản xuất chính có chỉ số sản xuất quý I /2020 tăng cao so với cùng kỳ là: khai thác đá các loại tăng 8,14%; chế biến thực phẩm tăng 8,13%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 6,81%; in, sao chép các bản ghi các loại tăng 26,44%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,42%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,68%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 7,79%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 24,27%... 

 

Ngoài các ngành có mức tăng trên thì một số ngành công nghiệp cấp 2 giảm so với cùng kỳ do các tháng đầu năm doanh nghiệp nghỉ lễ, tết và nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm chưa cao.

 

Theo Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, trong quý I/2020, sản lượng khai thác quặng kim loại giảm 26,59%; sản xuất trang phục giảm 7,51%; sản xuất giấy đế giảm 11,74%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,06%... 

 

Tuy nhiên, một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất quý I tăng cao so với cùng kỳ: quặng chì tăng 8,51%; đá xây dựng tăng 15,86%; tinh bột sắn tăng 24,34%; gỗ dán tăng 25,87%; gỗ ván bóc tăng 36,67%; xi măng tăng 14,52%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác tăng 48,3%; điện thương phẩm tăng 6,72%... 

 

Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: quặng sắt giảm 30,78%; chè đen giảm 21,95%; quần áo xuất khẩu giảm 46,28%; gỗ cưa xẻ giảm 28,16%; ván ép giảm 63,12%; giấy đế giảm 14,88%; đá xẻ giảm 16,01%; bột đá giảm 36,14%; điện sản xuất giảm 9,54%. 

 

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 mức tiêu thụ giảm 3,98% so với tháng 3/2019, cộng dồn quý I/2020 giảm 2,1% so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: chè đen tăng 8,55%; sản xuất bao bì tăng 5,04%; xi măng tăng 14,72%. 

 

Các sản phẩm có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là tinh bột sắn giảm 29,29%; may trang phục giảm 34,38%; chế biến gỗ giảm 30,02%; sản xuất giấy đế giảm 17,67% in ấn giảm 18,75%; sản xuất sơn, hóa chất giảm 6,92%; đá xẻ giảm 12,78%...

 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp cộng dồn đến hết tháng 3/2020 tăng 3,38% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ có vốn đầu tư nước ngoài mới đi vào hoạt động làm tăng số lượng lao động của ngành chế biến chế tạo và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 13,44%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,45%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,85%. Ước giá trị SXCN quý I/2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 2.537,6 tỷ đồng, tăng 5,61% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ số SXCN quý I/2020 tăng 5,56%, thấp hơn mức tăng 6,21% của cùng kỳ các năm trước. 

 

Nguyên nhân chính là do tác động của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến một số ngành SXCN chính của tỉnh như sản xuất chế biến gỗ, may xuất khẩu, sản xuất đá xẻ nhân tạo, sản xuất tinh bột sắn, tinh dầu quế... do thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất. Các sản phẩm của doanh nghiệp phần lớn được xuất sang Trung Quốc; vì vậy, khi thị trường này khó khăn tạm thời chưa nhập khẩu, hoặc nhập khẩu song phải trải qua thủ tục kiểm dịch lâu, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp Yên Bái. 

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan