Bạn đang ở đây

Chống hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử: Mạnh tay xử lý vi phạm

26/06/2019 09:23:13

Mức độ vi phạm tăng

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý nhiều trường hợp vi phạm về TMĐT và hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong TMĐT năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, năm 2018 lên đến 7 tỷ đồng.

chong hang gia hang nhai trong thuong mai dien tu manh tay xu ly vi pham
Hàng giả bán trên website bị thu giữ

Dẫn chứng cụ thể, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, gần đây nhất, ngày 18/4/2019, Bộ Công Thương phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an TP. Hồ Chí Minh đồng loạt tiến hành kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website: menshop79.com và menshopfashion.com, thu giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermers, Versace, Burberry…

Thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn là 35.943; hơn 3126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa. 4 tháng đầu năm, Bộ Công Thương yêu cầu các sàn TMĐT rà soát và gỡ bỏ trên 3.750 sản phẩm vi phạm thuộc gần 600 gian hàng và website.

Ông Đặng Hoàng Hải phân tích, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian… Trong nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và được thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh đối tượng bán. Ngoài ra, các website và mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và khó kiểm soát.

Tăng cường công tác phối hợp

Để bảo vệ người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Công Thương thường xuyên rà soát định kỳ để đảm bảo sự tuân thủ của các website; kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm pháp luật trên website và ứng dụng TMĐT.

Chia sẻ về định hướng một số hoạt động đấu tranh chống hàng giả trong TMĐT, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) - đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý; rà soát, phân loại các website ứng dụng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật...

Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số:

Cục TMĐT và Kinh tế số có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với lực lượng hải quan, quản lý thị trường, công an để triệt tận gốc các loại hàng hóa kém chất lượng, bán tràn lan trên sàn TMĐT.

Tin liên quan