Bạn đang ở đây

Cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm

1. Trình tự thực hiện:

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi tắt là cơ sở) đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Theo Thông tư số 29/2012/TT - BCT ngày 5/10/2012 quy định về việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc Cơ quan cấp Giấy chứng nhận kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận thông báo bằng văn bản cho cơ sở sản xuất thực phẩm để hoàn chỉnh hồ sơ.

- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc cơ quan cấp Giấy chứng nhận sẽ tổ chức thẩm định nội dung hồ sơ và thẩm định thực tế tại cơ sở. 

- Trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định “Đạt”, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm. Trường hợp kết quả thẩm định “Không đạt” Cơ quan cấp Giấy chứng nhận lập Biên bản và thông báo cho cơ sở kinh doanh thực phẩm. Thời hạn thẩm định lại tối đa là 03 tháng.

- Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhận Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

- Các đối tượng không phải cấp Giấy chứng nhận gồm:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ: Cơ sở chỉ có 02 lao động trở xuống trực tiếp tham gia sản xuất;

b) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ: Cơ sở chỉ có 02 nhân viên trở xuống trực tiếp kinh doanh;

c) Bán hàng rong;

d) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo qui định.

Bước 1: Cá nhân, tổ chức đến phòng Kỹ thuật An toàn môi trường Sở Công Thương vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần để được hướng dẫn về lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Văn phòng Sở Công Thương Yên Bái (Tổ 36 Phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần.

- Công chức phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung của hồ sơ. Nếu hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì thống nhất thời gian kiểm tra thực tế. Trường hợp thiếu hồ sơ hoặc không hợp lệ thì công chức nhận hồ sơ hướng dẫn để người nộp hồ sơ làm lại hồ sơ.

- Khi đến nộp hồ sơ, tổ chức, cá nhân xin cấp Giấy chứng nhận phải xuất trình chứng minh thư nhân dân (đối với công dân Việt Nam).

- Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận tại Sở Công Thương Yên Bái vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần, theo bước sau:

+ Nhận Giấy chứng nhận tại phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường Sở Công Thương vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần Công chức phòng KTATMT trả Giấy chứng nhận cho người xin cấp khi đã thực hiện đầy đủ về nghĩa vụ tài chính.

+  Trong trường hợp nhận hộ, người nhận hộ phải có thêm giấy uỷ quyền và chứng minh thư của người uỷ quyền.

2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Sở Công Thương tỉnh Yên Bái.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm:

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

(2) Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

(3) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực;

(4) Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh hoặc danh sách các cán bộ của cở sở trực tiếp kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền được Bộ Công Thương chỉ định cấp theo quy định;

(5) Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh hoặc danh sách các cán bộ của cở sở trực tiếp kinh doanh do cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên cấp theo quy định.

b) Số lượng hồ sơ: 01 quyển (02 bộ),

4. Thời hạn giải quyết: Tối đa 20 ngày làm việc.

4.1. Tiếp nhận và thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ

Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận của cơ sở theo quy định; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ; thời gian chờ bổ sung hồ sơ của các cơ sở không tính trong thời gian thẩm định hồ sơ.

4. 2. Thành lập đoàn thẩm định

a) Sau khi đó nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 (mười lăm) ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức thẩm định nội dung hồ sơ và kiểm tra thực tế tại cơ sở.

b) Đoàn thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế tại cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ra quyết định thành lập gồm từ 03 đến 05 thành viên, trong đó phải có ít nhất 2/3 số thành viên là cán bộ làm công tác chuyên môn về an toàn thực phẩm, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (có thể mời chuyên gia từ bên ngoài phù hợp chuyên môn tham gia Đoàn thẩm định).

4. 3. Nội dung thẩm định cơ sở

Kiểm tra thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định.

Các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

4. 4. Kết quả thẩm định cơ sở

a) Kết quả thẩm định phải ghi từ “Đạt” hoặc “Không đạt” vào Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo Phụ lục 4 hoặc Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm theo Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với loại hình đăng ký sản xuất, kinh doanh của cơ sở

b) Trường hợp “Không đạt” phải ghi rõ lý do và thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng). Sau khi đó khắc phục theo yêu cầu của Đoàn thẩm định được ghi trong Biên bản thẩm định, cơ sở phải nộp báo cáo kết quả khắc phục theo Phụ lục 6 về cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định lại theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì Đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền không cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc đình chỉ hoạt động của cơ sở trong trường hợp xin cấp lại.

Biên bản thẩm định được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, Đoàn thẩm định giữ 01 bản và chủ cơ sở giữ 01 bản.

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương

6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Công Thương

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tương ứng.

8. Lệ phí: 200.000 đồng/ lần thẩm định và 50.000 đồng/ giấy chứng nhận

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Có phụ lục kèm theo

- Đơn đề nghị Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Phụ lục 1;

- Bản thuyết minh cơ sở vật chất, trang thiết bị và dụng cụ sản xuất, chế biến thực phẩm: Phụ lục 2;

- Báo cáo kết quả khắc phục: Phụ lục 6;

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Phụ lục 9.

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

 - Các tổ chức, cá nhân sản xuât, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện về thủ tục hành chính theo qui định của pháp luật.

11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH 12 ngày 17/6/2010;

- Nghị định 38/2012/NĐ - CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

- Thông tư số 29/2012/TT - BCT ngày 5/10/2012 quy định về việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

- Quyết định số 80/2005/QĐ-BTC ngày 17/11/2005 của Bộ Trưởng bộ Tài chính về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,

Nguồn: Văn phòng  Sở

Tiếng Việt