Bạn đang ở đây

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ “Quy định xác định trước”

01/06/2017 14:34:14

Theo Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA: Trade Facilitation Agreement) của WTO chính thức có hiệu lực từ ngày 22/2/2017 đã tạo dấu mốc quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. TFA đặt ra tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại thống nhất trong tất cả quốc gia thành viên WTO, tạo động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế qua việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thủ tục hải quan giúp thông quan hàng hóa qua biên giới.

Việt Nam đã tham gia Công ước Kyoto, là thành viên của WTO đã tham gia đàm phán, phê chuẩn TFA, đã và đang đàm phán tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Đối với các nội dung, yêu cầu trong TFA, phần lớn đã được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt thực hiện cuộc cải cách hành chính nhằm đáp ứng các cam kết trong TFA, cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tổng cục Hải quan Việt Nam đã chủ động, tích cực trong tiến trình hội nhập để cải cách, hiện đại hoá thủ tục hải quan, trong đó, đáng chú ý là việc ban hành các quy trình xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người khai hải quan, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Quy định xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu giúp cho người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan, tránh phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan, minh bạch hoá thủ tục hải quan, cho việc làm thủ tục hải quan được thống nhất trên toàn quốc, ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiểu, tiêu cực của công chức hải quan. Quy định liên quan đến xác định trước đã được đề cập đến trong Luật Hải quan 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT- BTC.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN chưa nghiên cứu, chưa nắm rõ, nên chưa áp dụng các quy định này. Tính đến nay cả nước chỉ mới có hơn 500 trường hợp xác định trước mã số HS; 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Theo ông Đặng Thái Thiện - Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, người khai hải quan có quyền đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu; đề nghị xem xét lại kết quả xác định trước nếu không đồng ý với kết quả xác định trước của cơ quan hải quan. Ngoài việc nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước theo quy định, người khai hải quan cũng cần tham gia đối thoại với cơ quan hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước theo đề nghị của cơ quan hải quan, thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hoá đã đề nghị xác định trước, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày tháng năm thay đổi.

Bên cạnh đó, DN cũng phải nắm rõ Tổng cục Hải quan cũng đã quy định rõ trách nhiệm trong việc ban hành văn bản thông báo xác định trước cho DN. Theo đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan hải quan có văn bản từ chối nếu thấy hồ sơ DN không đủ điều kiện hoặc hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ; còn trong thời hạn 30 ngày (trường hợp thông thường) hoặc 60 ngày (trường hợp phức tạp) Tổng cục Hải quan phải ban hành văn bản thông báo xác định trước. Nếu có khiếu nại của DN, trong thời hạn 10 ngày làm việc (trường hợp thông thường) hoặc 30 ngày (trường hợp phức tạp) kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản trả lời kết quả cho người yêu cầu. Tổng cục Hải quan cũng có thẩm quyền ban hành văn bản huỷ bỏ văn bản thông báo xác định trước trong trường hợp phát hiện hồ sơ xác định trước do người yêu cầu cung cấp không chính xác, không trung thực. 

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan