Bạn đang ở đây

Doanh nghiệp cần có cách tiếp cận chiến lược để vượt khó

31/08/2011 16:01:44
“Khó khăn và thách thức sẽ nhiều hơn, gay gắt hơn” - đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế về năm 2009. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ khó đạt mức 6,5% như mục tiêu đề ra; lạm phát tiếp tục ở mức cao; các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những thách thức về thị trường do giảm phát; thất nghiệp gia tăng; cán cân thanh toán chậm lại. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế địa phương được dự báo sẽ có 6/31 chỉ tiêu khó hoàn thành. Trong đó, 4 chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng, tổng vốn đầu tư phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu rất khó khăn.
 
Thách thức và khó khăn nhiều hơn năm 2008 nhưng không phải là không có cơ hội với các doanh nghiệp.  Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc tại cuộc gặp mặt đầu năm với giám đốc 400 doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh do Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh tổ chức ngày 9.2.2009 đã cho rằng: “Cần đổi mới cách tiếp cận có tính chiến lược để tranh thủ cơ hội, vượt qua những khó khăn chung”. Minh chứng rõ nhất là năm 2008, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, thiên tai, sự điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô kiềm chế lạm phát của Chính phủ…, các doanh nghiệp Yên Bái vẫn giữ được ổn định và có những đóng góp lớn cho nền kinh tế. Biểu hiện rõ nhất là cơ cấu vốn và ngành nghề kinh doanh có sự thay đổi cơ bản, nhiều doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký từ 5 - 10 tỷ đồng, trên 60% số doanh nghiệp mới thành lập là sản xuất công nghiệp.
 
Có ba yếu tố có sức hút với sự gia nhập thị trường sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, là: sức hấp dẫn về môi trường đầu tư (20,2% là các nhà đầu tư ngoài tỉnh); hiệu quả công tác cải cách hành chính; tiềm năng vốn và triển vọng phát triển của các doanh nghiệp còn rất lớn. Trên 190 doanh nghiệp, hợp tác xã đã được thành lập mới với số vốn 652 tỷ đồng, là nguồn vốn lớn được thu hút đầu tư trong năm 2008 của tỉnh.
 
Với sáng tạo và nỗ lực rất cao, các doanh nghiệp Yên Bái đã khẳng định vai trò vị trí của mình với nền kinh tế: sản xuất công nghiệp tăng 32,4% về giá trị, tổng vốn đầu tư cho sản xuất công nghiệp trên 760 tỷ đồng, nhiều dự án lớn được hoàn thành, đi vào hoạt động như dự án Nhà máy Xi măng Yên Bình, Nhà máy Xi măng Yên Bái. Nhiều dự án khác được triển khai, sẽ hoàn thành trong năm 2009, như: dự án Nhà máy Luyện gang thép Cửu Long; các dự án Thuỷ điện Nà Hẩu, Nậm Đông 3 - 4, Hồ Bốn, Mường Kim. Sản xuất nông-lâm nghiệp tuy chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, giá trị sản xuất vẫn đạt trên 1.583.700 triệu đồng; kinh doanh thương mại dịch vụ tăng 20,3% về tổng mức lưu chuyển hàng hoá…
 
Với gần 230 tỷ đồng đóng góp cho ngân sách, trên 22.000 lao động được giải quyết việc làm, các doanh nghiệp đã khẳng định được vai trò “xương sống” của nền kinh tế. 33 doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Xi măng & Khoáng sản Yên Bái, Công ty TNHH Thanh Bình, Tổng công ty Hoà Bình Minh, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông, Công ty TNHH chế biến Chè Hưng Thịnh, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Công ty Quản lý xây dựng đường bộ I, Công ty TNHH Hải Phượng… là những đơn vị đã làm ăn sáng tạo, duy trì được sự ổn định và phát triển trong điều kiện riêng biệt của năm 2008.
 
Câu hỏi đặt ra là, tại sao doanh nghiệp phải tìm cách tiếp cận có tính chiến lược chứ không phải là đối phó mang tính chắp vá? Câu trả lời là để tiếp tục phát triển sản xuất, khắc phục suy thoái kinh tế, doanh nghiệp không còn con đường nào khác là nhanh chóng, sáng tạo tìm cách tiếp cận thị trường. Thị trường ở đây bao gồm: thị trường tiêu thụ và thị trường vốn. Trao đổi với giám đốc các doanh nghiệp cho thấy, vấn đề của họ là thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu rất khó khăn. Tạo ra “cầu” như thế nào, “cầu” mang tính bền vững là trăn trở và cũng là yêu cầu rất cấp thiết với mỗi doanh nghiệp hiện nay.
 
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Thương Lượng trao đổi với giám đốc các doanh nghiệp: “Chính phủ và chính quyền sẽ đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Chính phủ đã có Nghị quyết số 30/NQ-CP về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế. Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ lãi suất cho một số nông lâm sản, như với sản xuất tinh bột sắn, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất (trong đó trừ phần hỗ trợ của TW 4%/năm), hỗ trợ chi phí vận chuyển 50 đồng/kg sắn củ thông qua trợ giá mua nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Với sản phẩm chè, ngoài phần hỗ trợ 4%/năm của TW, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp trong 8 tháng. Sản phẩm đũa gỗ, giấy đế, ván ép, tỉnh hỗ trợ 2%/năm cũng trong thời gian 8 tháng cho các doanh nghiệp có vay vốn lưu động sản xuất sản phẩm…”. Các giám đốc doanh nghiệp tại buổi gặp mặt đầu năm rất phấn khởi trước sự quan tâm cụ thể của tỉnh.
 
Ông Chu Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH chế biến chè Hưng Thịnh cho rằng đó chính là những mong mỏi của doanh nghiệp nói chung với chính quyền trong điều kiện nền kinh tế và các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. ông Tuấn cho rằng, doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường gắn với những giải pháp ứng phó tạm thời, trong đó tập trung vào hợp lý hoá sản xuất, sản xuất kinh doanh các sản phẩm chính, rút ngắn thời hạn thanh toán phân phối để đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động, bảo đảm các khoản thanh toán cần thiết. Vốn là vấn đề không còn nóng bỏng với doanh nghiệp khi các ngân hàng đã liên tục hạ lãi suất cho vay.
 
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Yên Bái Bùi Trung Thu cho rằng, các doanh nghiệp cần có dự án bảo đảm yêu cầu với vay đầu tư cố định và dự án sản xuất kinh doanh với vay vốn lưu động. Theo ông Thu, Ngân hàng sẽ thực hiện nghiêm các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cho vay tín dụng với doanh nghiệp, tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Chung cũng khẳng định thực hiện nghiêm túc các chính sách của Chính phủ về quy định miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 của doanh nghiệp; giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng với 70% số thuế phải nộp sau khi giảm cho các doanh nghiệp sản xuất và gia công chế biến nông lâm sản, thủy sản, dệt may cũng như hoàn thuế và điều chỉnh thuế suất.
 
Về phía tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường một lần nữa khẳng định sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, năm 2009 tiếp tục là năm tập trung cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cam kết ưu đãi đầu tư, đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp. 
 
Nền kinh tế thời kỳ hội nhập đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn với các doanh nghiệp nhưng cơ hội để doanh nghiệp, doanh nhân sáng tạo, vươn lên phát triển cũng rất lớn. Sự phát triển của trên 800 doanh nghiệp nói chung, có vai trò hết sức quan trọng với nền kinh tế . “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” -  đó là phương châm và hành động nhất quán mà Tỉnh ủy  - HĐND - UBND tỉnh đã cam kết, thực hiện. Sức sáng tạo và nỗ lực không ngừng của các doanh nhân, doanh nghiệp hơn bao giờ hết đang được toàn xã hội đề cao, trân trọng. Sự hài hoà ấy, chắc chắn sẽ đem lại sự phát triển mới cho các doanh nghiệp trong năm 2009, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển bền vững trên con đường CNH-HĐH.
 
Tuấn Anh

Tin liên quan