Bạn đang ở đây

Ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh Yên Bái - chặng đường 10 năm thành lập và phát triển

11/11/2011 10:18:36

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 1996 - 2000 duy trì 7%/năm, giao lưu thương mại quốc tế từng bước mở rộng, các thành phần kinh tế - nhất là kinh tế tư nhân tham gia kinh doanh ngày càng nhiều, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Bên cạnh những mặt tích cực đó, thì nạn buôn lậu, gian lận thương mại phát sinh ngày càng phức tạp. Ngày 11/10/1997, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 853/1997/CT-TTg về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới đã nhận định: “hoạt động buôn lậu và đặc biệt là tình trạng gian lận thương mại để trốn thuế vẫn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng…. Nhiều công ty kinh doanh xuất, nhập khẩu, trong đó có cả của Công an, Quân đội, đơn vị kinh tế Đảng, đoàn thể, do xuất phát từ lợi ích cục bộ, địa phương đã trực tiếp tham gia buôn lậu hoặc tạo điều kiện cho bọn buôn lậu sử dụng làm "bình phong" núp bóng. Đã có tình trạng bọn buôn lậu trong nước và nước ngoài móc nối với các phần tử thoái hoá biến chất trong các lực lượng chống buôn lậu để lũng đoạn và vô hiệu hoá hoạt động của các cơ quan này, trong khi đó lãnh đạo cấp trên lại thiếu sự kiểm tra, giám sát cấp dưới. Tình hình trên đã gây ra những hậu quả nguy hại về kinh tế - xã hội, cản trở quá trình phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước”. Về tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, Chỉ thị số 31/199/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: “hoạt độngsản xuất và buôn bán hàng giả đang có nhiều diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn”.

Trong khi đó, “Các ngành chức năng chống buôn lậu chưa có sự phối hợp chặt chẽ, có nơi, có lúc còn chồng chéo, thậm chí vô hiệu hoá hoạt động của nhau, trong khi đó lãnh đạo cấp trên lại thiếu sự kiểm tra, giám sát cấp dưới, một số trường hợp vi phạm chưa được xử lý nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ làm công tác chống buôn lậu "bảo kê" cho hoạt động buôn lậu. Tình hình trên đã gây ra những hậu quả nguy hại về kinh tế - xã hội, cản trở quá trình phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước”(Chỉ thị 853).

Trước tình hình trên, để tăng cường công tác chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trên tinh thầnChỉ thị số 853/1997/CT-TTg và Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg, ngày 27/8/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 127/2001/TTg-QĐ về việc thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban 127 trung ương).

Tại địa phương, ngày 12/10/2001, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 547/QĐ-UB về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tỉnh Yên Bái trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo 853 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127/ĐP). Ban 127/ĐP tỉnh Yên Bái có nhiệm vụ: Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép một cách có hiệu quả, nhằm đưa công tác quản lý đi vào nề nếp theo Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg, Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh uỷ Yên Bái; Kiểm tra việc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và quản lý lâm sản; kiến nghị với UBND tỉnh các chủ trương biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Ban 127/ĐP tỉnh Yên Bái khi mới thành lập gồm có 13 thành viên đại diện cho các ngành: Sở Thương mại và Du lịch (nay là Sở Công Thương), Sở Tài chính Vật giá (nay là Sở Tài chính), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá Thông tin (nay là Sở Văn hoá Thể Thao Du lịch), Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường, Cục thuế tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chi cục Kiểm lâm và Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh. Trưởng ban là đồng chí Vũ Sửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Phó trưởng ban thường trực là đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, cơ quan thường trực đặt tại Chi cục Quản lý thị trường.

Sau khi thành lập, Ban 127/ĐP đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 261/QĐ-UB ngày 06/12/2001 về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở địa bàn tỉnh Yên Bái. Quy chế đã quy định những vấn đề then chốt liên quan đến trách nhiệm của từng cấp, ngành trong tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; cơ chế phối hợp từ khâu trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra ngăn chặn đến phối hợp xử lý vi phạm.

Kể từ khi thành lập Ban 127/ĐP và với Quy chế quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị, hoạt động chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, quản lý lâm sản trên địa bàn được thuận tiện hơn, tạo sức mạnh tổng hợp, bước đầu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Ngoài thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại theo yêu cầu của Ban 127 trung ương mà còn làm tốt công tác đấu tranh chống khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép - một nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng của tỉnh.

Năm 2004, Ban 127/ĐP được kiện toàn lại theo Quyết định 87/QĐ-UB ngày 23/02/2004, đồng chí Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Bước sang năm 2005, Ban 127/ĐP tiếp tục kiện toàn lại theo Quyết định 170/QĐ-UBND ngày 20/4/2005. Trưởng ban là đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Từ năm 2007, nước ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, giảm thuế nhập khẩu đối với một loạt nhóm hàng, các quy định về điều kiện nhập khẩu vải, gạch men và việc dán tem nhập khẩu đối với 16 trên tổng số 17 mặt hàng bị bãi bỏ, hoạt động lưu thông hàng hoá nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn, nhiều đối tượng lợi dụng khe hở của pháp luật để buôn lậu. Những năm gần đây, do thuế nhập khẩu tiếp tục điều chỉnh giảm, tỷ giá đồng nhân dân tệ ngày càng cao, nên số vụ vận chuyển nhập lậu mà cơ quan bắt giữ được giảm đáng kể. Tại địa bàn, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép không còn công khai, ngang nhiên như trước. Tuy nhiên, các vi phạm về khai thác, buôn bán, xuất lậu khoáng sản nổi lên phức tạp, nhất là việc mua bán khoáng sản có nguồn gốc bất hợp pháp vận chuyển trên cả đường bộ và đường sắt.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 127/ĐP đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 13/5/2008, giao cho đồng chí Phạm Duy Cường, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo. Quyết định 743 đã bổ sung một nhiệm vụ quan trọng cho Ban đó là “ giúp UBND tỉnh chỉ đạo công tác đấu tranh chống khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép”. Ban 127/ĐP đã chỉ đạo phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường bắt giữ hàng trăm vụ khai thác, mua bán khoáng sản trái phép, kể cả ở địa bàn các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình cũng như trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Năm 2008 cũng là năm sắp xếp lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, việc kiện toàn Ban theo Quyết định số 743/QĐ-UBND đã điều chỉnh lại một số thành viên của Ban và bổ sung thêm đại diện Sở Thông tin Truyền thông cho phù hợp với tình hình mới.

Năm 2011, thực hiện văn bản hướng dẫn số 31/BCĐ-QLTT ngày 12/5/2011 của Ban Chỉ đạo 127 trung ương về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo 127 các địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 29/7/2011 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Yên Bái. Xuất phát từ yêu cầu tăng cường công tác quản lý về khoáng sản, môi trường cũng như việc quản lý giá cước vận tải trên địa bàn tỉnh, trong lần kiện toàn này, thành phần Ban Chỉ đạo bổ sung thêm đại diện Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Giao thông Vận tải, nâng số ủy viên Ban Chỉ đạo lên 15 người. Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên như chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, UBND tỉnh nhấn mạnh nhiệm vụ của Ban là tổ chức sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác chống mua bán, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Trong 10 năm qua (2001-2011), bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 127 trung ương và trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều phương án chuyên đề kiểm tra kiểm soát theo từng mặt hàng, từng lĩnh vực để chỉ đạo các ngành thành viên phối hợp thực hiện. Nhiều phương án đã được triển khai có hiệu quả, như phương án kiểm tra mặt hàng vải, gạch men nhập lậu; phương án chống buôn lậu, chống gian lận trong đo lường, chất lượng xăng dầu; phương án kiểm tra thuốc lá điếu nhập lậu; phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh sắt thép xây dựng; phương án chống buôn lậu gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc gia cầm; phương án chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt  hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi. Vào dịp Tết nguyên đán hàng năm, Ban 127 tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các Đoàn Kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Để triển khai các phương án, Ban 127/ĐP giao cho ngành thành viên như Y tế, Khoa học Công nghệ hoặc Chi cục Quản lý thị trường, Tài chính chủ trì, các đơn vị có liên quan khác có trách nhiệm phối hợp. Nhờ vậy, hiệu lực quản lý nhà nước được tăng lên, hạn chế sự chồng chéo trong việc tổ chức kiểm tra kiểm soát của các đơn vị.

10 năm qua, các ngành tham gia Ban Chỉ đạo đã kiểm tra, xử lý: 34.985 vụ vi phạm, phạt hành chính: 60,110 tỷ đồng, bán hàng tịch thu: 58,973 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế: 3,508 tỷ đồng; hàng hoá tiêu huỷ (ước): 2,445 tỷ đồng. Tổng giá trị thực hiện: 125,035,8 tỷ đồng. Kết quả trên không chỉ chống thất thu cho ngân sách, mà quan trọng hơn cả là bình ổn được thị trường, tạo sự răn đe, giáo dục của pháp luật để hạn chế các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung.

Thành tích đã được ghi nhận

 Với sự cố gắng như vậy, trong những năm qua, hoạt động của các thành viên Ban 127/ĐP đã góp phần làm hạn chế các vi phạm, gian lận trong sản xuất kinh doanh, góp phần giữ vững sự ổn định của thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ nguồn tài nguyên lâm sản, khoáng sản của địa phương, được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 127 trung ương đánh giá cao.

Ban Chỉ đạo 127/ĐP đã được Hội đồng thi đua các cấp tặng nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý lâm sản, khoáng sản tại địa phương. Cụ thể, tính từ năm 2001 đến 2011, Ban Chỉ đạo có 4 tập thể và 6 cá nhân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chính Phủ, 24 tập thể và 40 cá nhân được tặng Bằng khen của Ban Chỉ đạo 127 trung ương; 16 tập thể và 14 cá nhân và được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Riêng trong đợt phát động thi đua lập thành tích kỷ niệm 10 năm thành lập Ban 127 các cấp, Ban 127/ĐP của tỉnh đã được Ban 127 trung ương tặng cờ thi đua cho 1 tập thể, tặng bằng khen cho 3 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Nhìn lại 10 năm qua, thành tựu và những ưu điểm trong hoạt động của Ban 127 tỉnh Yên Bái là cơ bản. Tuy nhiên quá trình hoạt động cũng không tránh khỏi những tồn tại như: sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; hoạt động kiểm tra liên ngành giữa cấp tỉnh và cấp huyện có lúc chồng chéo; công tác tổng hợp báo cáo của một số ngành còn chưa kịp thời. Các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa theo kịp với diễn biến của thủ đoạn, phương thức vi phạm. Công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chống hàng giả chưa cập với thực tiễn. Công tác tuyên truyền hướng dẫn pháp luật cho thương nhân còn chưa thường xuyên. Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh Yên Bái cần có các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại trên, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới./.

 

Nguồn: Chị Cục QLTT - SCT

Tin liên quan