Bạn đang ở đây

Xúc tiến thương mại “thay áo mới”

06/01/2022 10:12:22

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, tạo hiệu quả tích cực trong việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, tạo hiệu quả tích cực trong việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu.

Linh hoạt chuyển hình thức

Kể từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên toàn thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn thương mại quốc tế. Nhằm hỗ trợ, kết nối các địa phương có tiềm năng xuất khẩu và có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Cục XTTM (Bộ Công Thương) đã làm đầu mối phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tổ chức các chương trình hội nghị kết nối các tỉnh và địa phương với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Năm 2020, chương trình được tổ chức tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Quảng Ninh. Các hội nghị XTTM này đã diễn ra thành công và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam cũng như UBND các tỉnh và doanh nghiệp.

Hoạt động XTTM có nhiều thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp
Hoạt động XTTM có nhiều thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động XTTM gặp nhiều khó khăn hơn, do đó, Cục XTTM đã chuyển sang hình thức xúc tiến mới, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp (hybrid), nhờ vậy đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch mà vẫn đạt hiệu quả.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM, trong năm 2021, hơn 1.000 hội nghị kết nối cung - cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước đã được diễn ra; hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện các phiên giao thương và XTTM trực tuyến đối với các đối tác nước ngoài. Cục XTTM cũng đã trực tiếp tổ chức 5 hội chợ, triển lãm trực tuyến tại Việt Nam với sự tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp; tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng trăm triển lãm, hội chợ quốc tế ở nước ngoài dưới hình thức trực tuyến hoặc từ xa…

Địa phương tìm kiếm cơ hội

Xác định việc thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu là một trong những mục tiêu trọng tâm để phát triển kinh tế địa phương, ông Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái- cho biết: Những năm gần đây, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính dần được cải thiện. Đáng chú ý, năm 2021, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 62 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 10.378 tỷ đồng. Trong đó, 12 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.578 tỷ đồng.

Mặt khác, tỉnh Yên Bái cũng là tỉnh có nhiều sản phẩm xuất khẩu thế mạnh như các sản phẩm khoáng sản gồm sản phẩm bột đá CaCo3, sản phẩm sứ cách điện, graphit, đá quý hay các sản phẩm chè, quế, sản phẩm từ gỗ rừng trồng, sản phẩm giấy đế...

Nhận xét về các hoạt động XTTM, kết nối đầu tư trực tuyến, ông Ngô Hạnh Phúc cho biết, đây là cơ hội tốt để tỉnh Yên Bái quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các lĩnh vực, dự án, công trình trọng điểm kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Thông qua đó, “các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm thông tin về các nhà đầu tư, thông tin về thị trường, các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa và các thông tin quan trọng khác” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, ông Huỳnh Minh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- cho biết, hiện, tỉnh Đồng Tháp rất cần các kênh uy tín để giúp doanh nghiệp kết nối, tư vấn các tiêu chuẩn, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và đặc biệt giúp tỉnh bắt mạch xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng nhằm định hướng sản phẩm xuất khẩu đạt yêu cầu và bền vững theo hướng phát triển tài nguyên bản địa.

Ông Tuấn cũng đề nghị, các đại diện thương mại, tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam với vai trò là cầu nối giúp địa phương quảng bá thông tin, hỗ trợ xuất khẩu và kêu gọi các dự án đầu tư lĩnh vực hạ tầng, chế biến nông sản, thủy sản, các sản phẩm giá trị gia tăng của nông sản sau thu hoạch tại tỉnh Đồng Tháp.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại:

Việc đẩy mạnh các hoạt động XTTM trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian; đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan