Bạn đang ở đây

Xuất khẩu qua thương mại điện tử: Đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới

09/05/2019 10:58:24

Những câu chuyện thành công…

Xuất hiện trên trang TMĐT được mệnh danh là “chợ online toàn cầu” Amazon.com trong khoảng thời gian không lâu, nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam đã thu hút người tiêu dùng quốc tế, sức mua vì thế cũng tăng theo giúp các công ty tăng nhanh doanh số.

xuat khau qua thuong mai dien tu dua thuong hieu viet vuon ra the gioi
Việc hợp tác với Amazon được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường cho DN

Chị Hân Nguyễn - đồng sáng lập và CEO của Andre Gift Shop - cho biết, trong năm 2018, doanh số từ Amazon đóng góp 70% vào doanh số bán hàng trực tuyến của công ty và tăng trưởng 70% so với năm 2017.

Tương tự, chị Lê Thị Thiện Ngân - người sáng lập và CEO của Paper Color - cho rằng, bán hàng ra toàn cầu giúp DN tiếp cận được với lượng người mua lớn trên toàn thế giới. Từ DN với 2 thành viên ban đầu, đến nay Paper Color đã xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia trên thế giới và đang tiếp tục phát triển thương hiệu riêng của chính mình.

MaryCraft - công ty có xưởng sản xuất tại Việt Nam chuyên về trang phục và phụ kiện cho nữ giới cũng đã tiếp cận với “khu chợ” khổng lồ của Amazon từ năm 2015. Bà Mary Nguyễn - người sáng lập của MaryCrafts - cho hay, doanh số của công ty tăng hơn 150% kể từ khi bắt đầu bán hàng trên Amazon.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Vài năm trước đây, những câu chuyện như của Andre Gift Shop, Paper Color… thật sự khó tìm tại Việt Nam, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi, đặc biệt khi Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Amazon Global Selling đã thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến 2021 với các nội dung chính gồm: Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử; Chương trình phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; Chương trình đào tạo cho các DN Việt Nam về thương mại điện tử.

Trong đó, Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử, đã lựa chọn 100 DN Việt Nam có sản phẩm tiềm năng để đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ đã được thiết kế riêng cho chương trình để đưa sản phẩm xuất khẩu lên hệ thống thương mại điện tử Amazon tại Hoa Kỳ vào tháng 6/2019.

Việc hợp tác với trang thương mại điện tử toàn cầu Amazon.com được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa thời gian tới. Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - nhấn mạnh, hiệu quả cuối cùng của chương trình còn phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của chính các DN. Để chuẩn bị và tham gia tốt vào kênh bán hàng trực tuyến Amazon, DN phải có sự hiểu biết và khát vọng tham gia, thâm nhập thị trường thế giới, đồng thời sản phẩm phải đáp ứng được về mặt chất lượng của thị trường quốc tế.

Hiện nay dù cơ quan chức năng và các sàn TMĐT lớn đang nỗ lực kéo các DN và cá nhân kinh doanh tham gia hình thức xuất khẩu hàng hóa này, nhưng mới có 1.000 DN tham gia trên Alibaba và khoảng 200 DN tham gia trên Amazon, vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động trong đó 98% là DN nhỏ và vừa.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan