Bạn đang ở đây

Triển khai ngay mô hình kiểm tra chuyên ngành mới, khi được Thủ tướng phê duyệt

25/12/2020 10:43:40

Sau hơn 5 năm thực hiện cải cách kiểm tra chuyên ngành (KTCN) hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng quản lý rủi ro, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm chi phí…, công tác KTCN vẫn còn nhiều bất cập. Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ triển khai ngay Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” mới đề xuất khi được Thủ tướng phê duyệt để khắc phục bất cập hiện nay.

Để cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, ngày 17/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giao các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện. Một trong những mục tiêu đề án này đặt ra là đẩy mạnh cải cách, cắt giảm các thủ tục bất hợp lý, tạo thuận lợi cho thương mại, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với vai trò là đầu mối chủ trì thực hiện đề án, đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành rà soát các bất cập pháp lý về kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật theo hướng áp dụng quản lý rủi ro; ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra kèm mã số HS; chuyển nhiều hàng hóa nguy cơ rủi ro thấp sang kiểm tra sau thông quan; cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra; đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra; tăng đối tượng được miễn kiểm tra; đơn giản trình tự, thủ tục kiểm tra và bãi bỏ những quy định không cần thiết…

1109-kiem-tra
Kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, sau 5 năm thực hiện đề án, tính đến tháng 11/2020, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 27/38 văn bản (chiếm 71,05%); ban hành 49/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 18/22 nhóm hàng theo Quyết định 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg. Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn hải quan các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp thực hiện thống nhất Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; trình Thủ tướng ban hành Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.

Tính đến ngày 15/12/2020, có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối, 207 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên 3,5 triệu bộ hồ sơ và trên 43.460 doanh nghiệp tham gia. Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 247.858 C/O, số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 313.859 C/O.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khắc phục những bất cập trong công tác KTCN hiện nay.

Hiện nay, công tác chuẩn bị điều kiện kỹ thuật để trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật đang được khẩn trương triển khai… Tổng cục Hải quan đã đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với ô tô, xe máy và các phương tiện vận tải nhập khẩu. Kết quả khảo sát doanh nghiệp và báo cáo của hải quan các tỉnh, thành phố cho thấy, nếu bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các doanh nghiệp nhập khẩu cũng tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, công tác KTCN hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp như: Phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện kiểm tra; còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định; thực hiện KTCN không thống nhất giữa các bộ, ngành hoặc giữa các văn bản hướng dẫn và văn bản có pháp lý cao hơn; quy định kiểm tra quá mức cần thiết… Những bất cập này vẫn đang là gánh nặng về chi phí và tốn kém thời gian cho doanh nghiệp, là một trong những yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành trong thời gian thông quan hàng hóa chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.

Để khắc phục những bất cập công tác KTCN, Tổng cục Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Tại đề án này, mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được đề xuất cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra, các bộ chuyên ngành hậu kiểm... Mục tiêu nhằm cải cách toàn diện công tác KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu, giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập; cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và thời gian thông quan hàng hóa; nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, người tiêu dùng...

Theo đánh giá của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, nếu Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được Thủ tương phê duyệt và triển khai, sẽ cắt giảm được khoảng 86.166 tờ khai nhập khẩu (khoảng 54,4%) phải kiểm tra (so với số liệu năm 2019); tiết kiệm được 2.484.038 ngày công; tiết kiệm được hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD); tiết kiệm cho nền kinh tế 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD).

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan