Bạn đang ở đây

TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng bộ quy tắc sản phẩm thương mại dịch vụ chủ lực

07/08/2018 08:36:03

Ông Nguyễn Phương Đông- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề xuất như vậy trước các nhà khoa học, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham gia Hội thảo Xây dựng tiêu chí sản phẩm chủ lực ngành thương mại - dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 3/8.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm ngành hàng sản xuất sản phẩm thương mại và dịch vụ. So với cả nước các sản phẩm thương mại, dịch vụ của thành phố đều là chủ lực, nhưng nếu nói về sản phẩm chủ lực tiêu biểu thì chưa có sản phẩm nào lộ diện, mặc dù chiến lược tìm sản phẩm chủ lực đã được chính quyền thành phố khởi xưởng từ hàng chục năm trước đây. “Chính quyền thành phố giao cho ngành công thương xây dựng tiêu chí và tìm ra các sản phẩm thương mại - dịch vụ chủ lực, vì vậy những ý kiến tâm huyết của các học giả, chuyên gia đầu ngành và cộng đồng DN là hết sức quý giá. Từ những ý kiến đóng góp này sẽ hình thành nên bộ tiêu chí để tiến tới xây dựng và phát triển các sản phẩm thương mại-dịch vụ chủ lực trong tương lai”, ông Đông đánh giá.

Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Lan (Trường đại học Công nghệ Sài Gòn) cho rằng, TP. Hồ Chí Minh từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của cả nước thông qua các ngành công nghiệp và dịch vụ. Thành phố hiện có 240 chợ truyền thống, ngoài vai trò thương mại, chợ còn là nơi cung cấp những dịch vụ gần gũi với cuộc sống như dịch vụ ăn uống, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ sửa giày dép, quần áo… Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển các ngành khác, do đó khi ngành du lịch phát triển, tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành khác mà chợ truyền thống là một đối tượng luôn có sức hút mạnh mẽ đối với ngành du lịch.

Tại Hàn Quốc, các chợ truyền thống ở Seoul như Namdaemun, Gangjang, chợ nông sản Garak… đều là những địa điểm thu hút du khách đến tham quan và mua sắm. Tại TP. Hồ Chí Minh, chợ Bến Thành, Tân Định, An Đông có thể trở thành “sản phẩm” thương mại – dịch vụ đặc thù của ngành công thương, và không chỉ của ngành này. “Vai trò của chợ trong du lịch nói chung và du lịch thành thị (Urban Tourism) nói riêng đã được khẳng định tại các quốc gia trên thế giới. Việc thu hút khách du lịch đến tham quan mua sắm tại chợ truyền thống là điều tất nhiên nếu những ngôi chợ truyền thống được nâng cấp và bày bán những mặt hàng mang dáng dấp đặc thù của thành phố”, tiến sĩ Lan đặt vấn đề.

GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) phát biểu, ngành du lịch của TP. Hồ Chí Minh hiện nay được đánh giá là không có bản sắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, du lịch gắn với nông nghiệp là loại hình du lịch Việt Nam thực sự có thế mạnh vượt trội, trong đó có thành phố. Một khi đất nước xác định du lịch phải trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn” thì du lịch không thể nằm ngoài danh mục sản phẩm thương mại - dịch vụ chủ lực.

Theo GS. Vân, các huyện ngoại thành hiện chiếm tới 3/4 diện tích của thành TP. Hồ Chí Minh, tại đây có khu rừng sinh quyển Cần Giờ hơn 34.000ha; các làng nghề ở Củ Chi, các làng nông nghiệp rất đặc sắc ở Q.9, khu nông nghiệp công nghệ cao 88ha với những hoạt động nông nghiệp rất phong phú có khả năng thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm,… Nếu ngành du lịch nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả phải dựa trên nhận thức đúng đắn về loại hình du lịch này. Để có được nhận thức khoa học, đúng đắn trước hết cần tổ chức nghiên cứu, thảo luận để xác định một cách thống nhất bản chất và cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp - du lịch và công thương để phát triển lĩnh vực này.

san pham thuong mai dich vu chu luc se la thuoc do cua nen kinh te
Các học giả, chuyên gia thống nhất nên chọn những sản phẩm cụ thể để tạo ra những sản phẩm chủ lực

Đại diện Công ty CP Transimex cho biết, phát triển sản phẩm thương mại - dịch vụ chủ lực không thể bỏ qua việc nâng cấp hạ tầng chuỗi dịch vụ logistics. Vị này đề xuất, cơ sở hạ tầng về giao thông cần được quan tâm để nâng cao tốc độ vận chuyển, an toàn hơn, chi phí cầu đường cần hợp lý hơn. Các chính sách về kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa cần thông thoáng, thống nhất để tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du góp ý, việc hướng đến thị trường xuất khẩu là xu hướng tất yếu bởi sự phân công hóa toàn cầu, hàng hóa theo đó nên được sản xuất bởi quốc gia có lợi thế nhất. Hàng hóa muốn tham gia vào dòng thương mại toàn cầu phải chứng minh được lợi thế so sách về chi phí thấp nhất hoặc chất lượng cao nhất hoặc có tính đặc thù mà nhiều quốc gia khó sản xuất được khi tổ chức xây dựng sản phẩm thương mại - dịch vụ chủ lực của thành phố.

Các học giả, chuyên gia và nhiều DN nhìn nhận, việc xây dựng tiêu chí để tạo ra các sản phẩm thương mại - dịch vụ chủ lực của thành phố không thể chung chung mà phải cụ thể, sản phẩm đó là gì, giá trị và sức cạnh tranh thế nào, khả năng tồn tại bao lâu và có được người tiêu dùng chọn lựa. Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, tất cả các ý kiến của chuyên gia, DN là rất quan trọng và sẽ được tổng hợp, sàng lọc để tiến tới hình thành bộ tiêu chí cho sản phẩm thương mại - dịch vụ chủ lực.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan