Bạn đang ở đây

Thương mại điện tử: Thiếu sàn kết nối doanh nghiệp

29/08/2018 08:25:42

Quy mô tăng trưởng cao

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 50% doanh nghiệp (DN) có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của DN; 80% DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; hình thành một số DN kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.

Trong 5 năm gần đây, TMĐT là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao ở top đầu với mức tăng trưởng bình quân khoảng 20-30%/năm, trong đó có nhiều DN mới ra đời và cũng có nhiều DN lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Hội thảo về TMĐT với ngành thực phẩm vừa diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, hoạt động của TMĐT ở Việt Nam hiện nay có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng chỉ đạt ở phần lượng, riêng phần chất thì còn kém, chưa chuyên nghiệp. Đa số các giao dịch TMĐT ở Việt Nam chỉ dừng lại ở dạng DN - khách hàng, không có nhiều sàn giao dịch TMĐT dưới dạng DN-DN hoạt động một cách chuyên nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thành phố hiện có hơn 130.000 website đang hoạt động, trong đó có gần 9.000 website TMĐT đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương với 8.519 website TMĐT bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ TMĐT.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, lượng khách hàng “vô biên”, không bị gò bó về không gian tiếp thị, TMĐT hiện đang là kênh tiêu thụ, quảng bá hiệu quả cao cho hàng Việt. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm lại chưa tận dụng được “mảnh đất” màu mỡ này để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Nâng chất cho TMĐT

Theo bà Huỳnh Thị Bảo Châu - đại diện sàn giao dịch TMĐT Exocomets, TMĐT là mảnh đất vàng để các DN giao thương hàng hóa, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm cơ hội đầu tư một cách dễ dàng.

Tuy nhiên các DN trong nước lại chưa tận dụng được cơ hội này. Bởi lẽ, “hoạt động TMĐT gần đây xảy ra nhiều vụ việc không hay, gây mất niềm tin cho DN và người tiêu dùng. TMĐT hoạt động hiện nay chỉ đơn thuần là bán hàng, chưa có nhiều sàn giao dịch TMĐT đủ độ uy tín để nhà sản xuất tham gia” - bà Châu đánh giá.

“Với hơn 97% DN Việt Nam là đối tượng nhỏ và vừa, đa phần trong số này chưa đủ tiềm lực về tài chính cũng như năng lực cạnh tranh chưa cao. Vì thế một chính sách hỗ trợ và khuyến khích các DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín là cơ hội để đưa hàng Việt tiếp cận với thị trường thế giới” - bà Châu chia sẻ thêm.

Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền- Đại học Nguyễn Tất Thành - cho rằng, phần lớn DN Việt Nam chủ yếu cải tiến công nghệ ở khâu marketing, như marketing online, bán hàng, thanh toán online. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ tự động hoá vào sản xuất, kiểm soát chất lượng còn nhiều hạn chế. “Nếu doanh nghiệp tận dụng tốt có thể thiết kế sản phẩm, chào bán, tiếp nhận đơn hàng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, giao hàng, thanh toán diễn ra rất nhanh chóng trên nền tảng TMĐT thì hiệu quả về mặt kinh tế là rất cao ”- ông Điền đánh giá.

Theo Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh- Nguyễn Đặng Hiến- TMĐT là mảnh đất màu mỡ để DN Việt Nam, nhất là DN lượng thực thực phẩm bán hàng, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm cơ hội làm ăn nhưng nhiều DN vẫn không mặn mà với TMĐT.

Về nguyên nhân, ông Hiến phân tích, do chính cách thức hoạt động của TMĐT hiện nay còn thiếu chuyên nghiệp. Nhiều điểm bán hàng không uy tín, bán cho người tiêu dùng những món hàng mà chất lượng không như lời quảng cáo. “Hiện nay chúng ta chưa có được những sàn giao dịch hàng hóa TMĐT chuyên nghiệp để các nhà sản xuất hàng hóa tham gia và thu hoạch những thành quả kinh tế từ sàn giao dịch mang lại. Đây là điều đáng tiếc cho các DN Việt Nam” - ông Hiến bày tỏ.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan