Bạn đang ở đây

Tăng sức cạnh tranh cho nông sản: Khơi thông “dòng chảy” logistics

27/11/2019 09:08:24

Chi phí logistics cao

Theo khảo sát thực tế của Bộ Công Thương tại các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thuộc các nhóm hàng rau, quả, cà phê cho thấy, chi phí logistics hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phần lớn sử dụng điều kiện thương mại nhóm C (chẳng hạn CFR), do đó riêng chi phí vận tải quốc tế cho 1 kg thanh long sang Mỹ vào khoảng 3,5 USD/1 kg, chưa tính chi phí chiếu xạ tùy loại trái cây dao động trong khoảng từ 0,5 - 1 USD/kg (chưa tính chi phí vận tải nội địa). Như vậy, nếu bán cho nhà nhập khẩu Mỹ với giá khoảng 7 USD/1 kg thì riêng chi phí logistics vận tải trong nước đã chiếm khoảng 50% giá xuất khẩu.

tang suc canh tranh cho nong san khoi thong dong chay logistics
Hạ tầng logistics còn hạn chế

Tương tự, đối với các sản phẩm rau, quả của Việt Nam tại Tây Nam bộ, khi xuất khẩu đi tất cả các thị trường từ châu Âu đến Mỹ, Nhật Bản thì logistics đều chiếm trên dưới 30%. Sự tắc nghẽn hiện nay của hệ thống giao thông, sự chưa đồng bộ trong hệ thống vận tải đa phương tiện đã làm giảm năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Ngoài ra còn hàng loạt các bất cập khác như: Tiêu chuẩn đóng gói hàng hóa chưa được chuẩn hóa, hạn chế trong đầu tư công nghệ chuỗi lạnh, sự thiếu liên kết trong hệ thống thông tin thị trường…

Thống nhất đầu mối

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam ở trong khu vực kinh tế đang phát triển năng động nhất thế giới và được đánh giá là nền kinh tế mới nổi, là một “hub”, một trung tâm giao dịch mới của thế giới. Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để gia tăng thị phần, gia tăng tốc độ tăng trưởng của thương mại trong các thị trường lớn của thế giới. Trong đó, nông nghiệp và nông sản luôn là thành tố quan trọng của kinh tế Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam.

Nhiệm vụ đặt ra phải tối ưu hóa việc hình thành những chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nhất là cho những sản phẩm nông sản. Trong đó, những nhiệm vụ liên quan đến phát triển hoàn thiện hệ thống logistics là yêu cầu rất lớn. Việt Nam đã có những lợi thế về thuế quan (GSP) vào Mỹ cho hàng nông sản Việt Nam, nhưng chi phí logistics vào thị trường này vẫn còn chiếm tỷ trọng rất cao (từ 30 - 50%) trong tổng giá trị xuất khẩu. Như vậy, giá trị gia tăng trong sản phẩm rất thấp, nếu không cắt giảm được chi phí, không tiếp tục tối ưu hóa chuỗi giá trị của sản phẩm.

Để tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản bắt buộc phải cắt giảm chi phí logistics, tối ưu hóa chuỗi giá trị của sản phẩm. “Chúng ta không còn con đường nào khác là hoàn thiện hệ thống pháp luật trong hàng loạt các vấn đề về chuỗi này. Nhưng đặc biệt, trước mắt phải tập trung quyết liệt cho tối ưu hóa dịch vụ logistics” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Việt Nam đã tham gia ký kết 14 FTA song phương, đa phương. Tuy nhiên, việc có tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định này hay không phụ thuộc nhiều vào các giải pháp về thể chế, pháp luật, cũng như nỗ lực thực hiện 49 nhóm nhiệm vụ để cải thiện chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam

Với những phản ứng mới đây của Chính phủ trong việc giao nhiệm vụ chính thức cho Ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi hóa thương mại do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là Trưởng ban sẽ tập trung những giải pháp để đồng bộ hóa tất cả các nỗ lực chung của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các địa phương về vấn đề logistics và tiếp tục tạo điều kiện để phát triển logistics. Thống nhất một đầu mối thì sẽ là giải pháp cơ bản nhất để triển khai những nhiệm vụ trên.

Logistics phục vụ hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Nhưng hiện nay, hệ thống cung ứng dịch vụ logistics cho ngành này còn nhiều hạn chế.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan