Bạn đang ở đây

Cơ hội nào cho xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm?

09/10/2020 09:10:16

Xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn và cơ hội để đat mức tăng trưởng như song cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vẫn có thể đến nếu doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt gần 27,1 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

EVFTA được kỳ vọng mang lại tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm

Đáng chú ý, chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh với 14,4% so với cùng kỳ.

EVFTA được nhận định sẽ tiếp tục là động lực cho xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm. Đặc biệt là với những mặt hàng đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong những tháng đầu năm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dịch bệnh dần được kiểm soát đã và đang mở ra cơ hội cho ngành thủy sản phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch cả năm khoảng 8,6 tỉ USD. Trong đó EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU, bù đắp những khó khăn mà doanh nghiệp đã gặp phải trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, EU là thị trường có yêu cầu cao về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói... Do vậy, để có thể thâm nhập tốt thị trường EU, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, tiếp tục rà soát, tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến để đáp ứng tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các quy định về dán nhãn, môi trường, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Đơn cử, với mặt hàng gạo, kinh nghiệm từ Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho thấy, cơ hội chỉ có được nếu doanh nghiệp sớm chuyển mình và có sự đầu tư nhất định. Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed cho biết, dù EU dành một hạn ngạch đáng kể (lên đến 80.000 tấn) gạo cho doanh nghiệp Việt Nam, song với yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới, doanh nghiệp buộc phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

Theo đó, ngay từ khi EVFTA đang đàm phán, Vinaseed đã xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời đầu tư nhà máy chế biến gạo hiện đại, quy mô, đảm bảo sản phẩm sau chế biến đáp ứng các yêu cầu của thị trường; Đầu tư đóng gói đúng quy cách. Nhờ đó, ngay trong tháng 7-2020, Vinaseed đã xuất khẩu thành công gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá lên đến 1.040 USD/tấn, mức giá trong mơ cho gạo xuất khẩu Việt Nam.

Năm 2019, tổng sản lượng xuất khẩu của Vinaseed tại thị trường EU đạt khoảng 2.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 triệu USD. Khi mức thuế suất giảm về 0%, Tập đoàn sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ tại thị trường khó tính này. Dự kiến, năm 2020, Vinaseed đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 5.000 tấn gạo sang EU.

Với mặt hàng rau quả, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả sang EU không phải kiểm tra trước tại Việt Nam như các thị trường khác mà hàng đến nơi mới kiểm tra. Tuy nhiên, nếu hàng không đạt sẽ bị hủy, phạt tiền, cấm xuất khẩu không chỉ của doanh nghiệp đó mà có thể cấm luôn mặt hàng đó từ Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang EU phải chủ động kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa để phòng rủi ro.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group, để chuẩn bị nắm bắt cơ hội từ EVFTA, Vina T&T Group đã xây dựng vùng trồng 300 ha gồm: thanh long, nhãn, xoài, bưởi, chôm chôm đạt chứng nhận GlobalGAP. Việc này giúp sản phẩm không chỉ chinh phục tốt thị trường EU mà còn nhiều thị trường khó tính khác. Ngoài trái cây, doanh nghiệp còn có kế hoạch xuất khẩu các loại rau thơm, ớt, cà pháo, chanh... sang EU do nhu cầu thị trường khá lớn. Vina T&T Group đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu sang EU đạt hơn 7,7 triệu USD, tăng 20% so với năm 2019.

Hoặc, sau lô hàng chanh leo đầu tiên xuất khẩu thành công sang EU vào giữa tháng 9, mới đây, Ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Giao cho biết, mới đây, Công ty CP Đồng Giao đã khởi công Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Dự án với tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 20 nghìn tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Tropical Food (Italia); Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10 nghìn tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả rau đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Italia và Đức. Việc đặt nhà máy ở vùng rau quả có chất lượng nổi tiếng của cả nước, cộng với đầu tư công nghệ hiện đại sẽ giúp sản phẩm của Đồng Giao chinh phục tốt thị trường EU và nhiều thị trường có đòi hỏi chất lượng cao khác.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan