You are here

Sớm thành lập công đoàn các khu công nghiệp

Những năm qua, tỉnh Yên Bái tiến hành quy hoạch và phân vùng kinh tế gắn với chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nên đã hình thành 5 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với 53 dự án đầu tư tổng số tiền 2.355 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp chiếm 10,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy vậy nhìn từ phía người lao động cho thấy: công tác tập hợp đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở còn nhiều bất cập...
 
"Khoảng trống" công đoàn cơ sở
 
Thời gian qua, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tăng nhanh về số lượng, đa dạng về ngành nghề. Song, đối với công đoàn cấp trên, cơ sở chưa "bắt nhịp" kịp thời trong công tác phát triển công đoàn cơ sở (CĐCS) để thực hiện 3 chức năng của tổ chức công đoàn: tuyên truyền giáo dục, tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động. Thực trạng công tác tổ chức và phát triển CĐCS ở các khu công nghiệp vừa chồng chéo lại vừa yếu thu hút tập hợp đoàn viên.
 
Khu công nghiệp phía Nam của tỉnh thuộc hệ thống khu công nghiệp quốc gia. Hiện nay có 23 loại hình doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 1.600 lao động. Song, mới có 1 CĐCS trực thuộc Liên đoàn lao động (LĐLĐ tỉnh), 3 CĐCS trực thuộc Công đoàn ngành công thương, 1 CĐCS trực thuộc Công đoàn ngành xây dựng, 1 CĐCS trực thuộc Công đoàn huyện Yên Bình, 3 CĐCS trực thuộc Công đoàn Tập đoàn Vinashin. 16 doanh nghiệp chưa có CĐCS.
 
Khu công nghiệp Bắc Văn Yên có 10 nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng trên 500 lao động, trong đó có 1 CĐCS trực thuộc Công đoàn huyện Văn Yên; 4 công đoàn bộ phận thuộc CĐCS do Công đoàn ngành công thương, Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công đoàn Tập đoàn Vinashin quản lý; 5 doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS. Khu công nghiệp Minh Quân, Khu công nghiệp Âu Lâu, Khu công nghiệp Mông Sơn có 16 loại hình doanh nghiệp, sử dụng trên 900 lao động.
 
3 khu công nghiệp trên mới có 4 CĐCS trực thuộc Công đoàn huyện Lục Yên, Công đoàn ngành giao thông vận tải... 12 doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS. Điều đáng nói là CĐCS ở các khu công nghiệp được thành lập chủ yếu từ cơ chế bao cấp chuyển sang sau khi tiến hành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Đại bộ phận các loại hình doanh nghiệp được thành lập cùng với sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp lại là "khoảng trống" đối với CĐCS.
 
Phát triển CĐCS ở các khu công nghiệp chưa đáp ứng nguyện vọng của người lao động có nhiều nguyên nhân. Ngoài nhận thức chưa đầy đủ của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn thì nguyên nhân chủ yếu là sự vận động nội sinh của công đoàn cấp trên cơ sở còn nhiều hạn chế. Phương thức hoạt động công đoàn thiếu chủ động, sáng tạo để thích ứng quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý của nhà nước. Do đó, công đoàn ngành địa phương phân cấp quản lý CĐCS đến đâu thì hướng dẫn, chỉ đạo đến đó.
 
Vô hình tạo "biên giới" giữa công đoàn ngành với công đoàn huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS. Mặt khác, không ít CĐCS ở các khu công nghiệp chưa phát huy vai trò "người bạn" đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người lao động nên chưa có sức lan tỏa sang doanh nghiệp khác để thành lập CĐCS.
 
Thành lập công đoàn các khu công nghiệp
 
Thành lập công đoàn các khu công nghiệp vừa mang tính pháp lý vừa nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn và đáp ứng nguyện vọng người lao động. Điều 153 Bộ luật Lao động nêu rõ: "Những doanh nghiệp đang hoạt động chưa có tổ chức công đoàn thì chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động. Công đoàn địa phương, công đoàn ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp để đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể người lao động... Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn sớm được thành lập".
 
Mặt khác, hoạt động công đoàn đã qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X, song LĐLĐ tỉnh chưa có động thái triển khai thực hiện Điều 27 Điều lệ Công đoàn Việt Nam: "Công đoàn các khu công nghiệp là công đoàn cấp trên cơ sở do liên đoàn lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp".
 
Thành lập công đoàn các khu công nghiệp sẽ khắc phục phân cấp quản lý chồng chéo CĐCS như hiện nay đối với công đoàn ngành địa phương và công đoàn huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước. Công đoàn các khu công nghiệp được thành lập sẽ tạo luồng gió mới trong phương hướng hoạt động: "Hướng về cơ sở, lấy doanh nghiệp làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng vận động để thu hút đoàn viên và thành lập CĐCS". Nhiệm vụ và quyền hạn công đoàn các khu công nghiệp: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao chính trị, pháp luật cho công nhân - lao động trong các khu công nghiệp và triển khai có hiệu quả nghị quyết của công đoàn cấp trên.
 
Công đoàn các khu công nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ giúp ban chấp hành CĐCS trong việc thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể, thiết lập quan hệ lao động hài hòa về lợi ích, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, giải quyết tranh chấp lao động... Công đoàn các khu công nghiệp chịu sự quản lý và chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, cơ quan quản lý lao động địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật lao động, giải quyết đơn thư khiếu nại của công nhân lao động trong các khu công nghiệp; phối hợp chỉ đạo CĐCS thuộc công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty Trung ương hoạt động trong các khu công nghiệp.
 
Việc thành lập công đoàn các khu công nghiệp sẽ tạo sinh lực mới, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong công tác tập hợp đoàn viên, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng: "Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
 
Theo YBĐT