Bạn đang ở đây

Việt Nam cần xóa bỏ nhiều rào cản để logistics cho thương mại điện tử phát triển

03/05/2018 09:09:04

Ông đánh giá thế nào về sự tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam trong những năm tới và TMĐT sẽ có tác động thế nào đến lĩnh vực logistics?

Rất khó để đưa ra một con số dự báo chính xác về mức tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam nhưng có thể khẳng định rằng thị trường rất tiềm năng. Cụ thể, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận công nghệ mới cao, tỷ lệ tăng trưởng GDP cao và ổn định… sẽ là tiềm năng lớn cho thị trường TMĐT. Từ đó, có rất nhiều con số dự báo khác nhau về tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được các chuyên gia đưa ra như: Tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam 35%/năm, các doanh nghiệp chuyển phát sẽ tăng trưởng 62-200% và dự kiến doanh thu của thị trường TMĐT sẽ tăng trưởng từ 5 tỷ USD lên 10 tỷ USD trong 4 năm tới… Và thực tế đã cho thấy hàng loạt các tên tuổi lớn của quốc tế như Alibaba, JD.com hay Tencen đều đã đầu tư vào Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước như FPT, Vingroup… cũng đầu tư mạnh mẽ cho một số trang TMĐT của mình.

Với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, logistics cho TMĐT cũng sẽ tăng trưởng hơn bởi khối lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ngành này ở Việt Nam hiện còn rất non trẻ vì các doanh nghiệp đang hoạt động mới chỉ chuyển từ logistics truyền thống sang logistics TMĐT nên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Vậy thách thức đặt ra cho logistics trong TMĐT là gì, thưa ông?

Theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay chính là các quy định về giao thông thường xuyên thay đổi, thủ tục hành chính phức tạp, nhiều quy định cấm đã có từ lâu nhưng không thực sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường. Thứ hai, đối với phương tiện vận chuyển không đa dạng, thiếu, giá thành cao, chủ yếu là giao hàng bằng xe máy, hiệu quả thấp khiến cho chi phí đầu tư và vận hành cao. Vấn đề nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm hiện được đánh giá là một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp logistics đau đầu bởi các nhân lực chủ yếu vừa làm vừa học, thiếu kiến thức nền tảng về logistics. Mức độ cạnh tranh về nhân lực giữa các công ty trong thị trường của công ty mới ngày càng cao.

Một thách thức lớn nữa phải kể tới là vấn đề thanh toán bằng tiền mặt. Việt Nam hiện sử dụng tiền mặt nhiều nhất so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, vì vậy, rủi ro khi nhân viên giao nhận phải mang theo một lượng tiền mặt rất lớn, thêm vào đó, tỉ lệ giao hàng không thành công khi khách hàng không chấp nhận gói hàng đã đưa đến hoặc hủy đơn hàng trước khi được giao. Cuối cùng là vấn đề công nghệ. Theo tôi nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ trong e-Logistics còn thấp, phần nhiều mới chỉ là các hoạt động thủ công dẫn tới sai sót, chi phí cao, nhất là khi sản lượng tăng trưởng.

Tất cả những thách thức kể trên đã kéo theo chi phí cho logistics tại Việt Nam bị đội lên cao và chiếm khoảng 30% doanh thu của doanh nghiệp. Nếu chúng ta giảm được chi phí này thì không chỉ các doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng đều rất có lợi.

Theo ông, để logisitcs cho TMĐT phát triển thì doanh nghiệp và nhà nước cần làm gì?

Theo tôi, từ phía các doanh nghiệp e-logistics phải đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Đầu tư nghiên cứu ứng dụng kinh nghiệm từ các nước có TMĐT và e-logistics phát triển. Một điểm rất quan trọng là đầu tư phát triển con người, các công ty sẽ phải phối hợp với các trường đại học đào tạo chuyên sâu vào e-logistics và chúng tôi sẽ làm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tự nghiên cứu phát triển và đa dạng hóa phương tiện vận chuyển theo hướng thân thiện môi trường.

Về phía vĩ mô, tôi cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về TMĐT và e-logistics như hóa đơn chứng từ hàng hóa đi đường, các quy định quản lý giao thông. Tạo điều kiện để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ tự động, phát triển các phương tiện “xanh” phù hợp với e-logistics. Đồng thời tạo điều kiện và hỗ trợ để thanh toán điện tử được triển khai rộng rãi, hạn chế giao dịch tiền mặt.

Xe điện được LEL Express đưa vào sử dụng để giao hàng 

Về phía LEL Express sẽ giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?

Dưới tốc độ phát triển của TMĐT hiện nay, thay vì tuyển một số lượng nhân viên giao hàng gấp đôi, chúng tôi tìm một phương tiện có thể xử lý lượng hàng hoá gấp đôi, gấp 3 lần. Theo đó, chúng tôi đã phát triển và thử nghiệm mô hình giao hàng bằng xe điện từ năm 2017 và đạt được những thành quả ấn tượng trong thời gian thử nghiệm. Cụ thể, thùng hàng lớn giúp chứa nhiều hàng hơn, đặc biệt là hàng cồng kềnh chiếm nhiều diện tích; tiết kiệm thời gian quay về kho soạn, lấy hàng; từ đó đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho khách. Sau quá trình thử nghiệm, tổng thời gian tiết kiệm trung bình là 3 tiếng. Trên cơ sở thử nghiệm thành công, LEL Express chính thức đưa vào vận hành phương tiện xe đạp điện này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu nâng cấp hệ thống sạc năng lượng mặt trời cho xe đạp điện và phát triển các phương tiện khác như xe đạp điện ba bánh, bốn bánh nhằm giúp nâng cao năng suất giao hàng nhưng không làm ảnh hưởng đến giao thông và môi trường.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan