Bạn đang ở đây

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: Không ai muốn một cuộc chiến tranh thương mại!

03/05/2018 09:05:03
 

Trong chia sẻ của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long nêu rõ, tuyên bố mới đây của chính quyền Tổng thống Trump về thuế đơn phương đối với hàng nhập khẩu, hướng vào Trung Quốc cho thấy bóng ma về một cuộc chiến thương mại chưa bao giờ trở nên rõ ràng hơn thế.

Ở Hoa Kỳ có nhiều sự hỗ trợ chính trị cho những biện pháp như vậy. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ trước đây ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bây giờ cảm thấy bị thiệt thòi khi kinh doanh tại nước này. Họ cảm thấy sân chơi không bình đẳng, tiếp cận thị trường bị thu hẹp và các khoản đầu tư bị hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Các thỏa thuận và nhượng bộ thương mại được thực hiện trong quá khứ khi Trung Quốc chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thì giờ ít được chấp nhận với tỷ trọng của Trung Quốc đang tăng lên 15%.

Tuy nhiên, thuế đơn phương không phải là giải pháp chính xác. Một cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu bùng nổ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa vào các quy tắc đã củng cố sự thịnh vượng toàn cầu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Các quốc gia trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, đều sẽ bị tổn thương. Thủ tướng Singapore tin tưởng rằng, các tranh chấp thương mại cần được giải quyết trong khuôn khổ WTO. Như các nhà kinh tế đã chỉ ra, khi đánh giá mối quan hệ kinh tế, vấn đề không phải là cân bằng thương mại song phương của một quốc gia với một đối tác thương mại cụ thể mà là cân bằng thương mại tổng thể với phần còn lại của thế giới. Hơn nữa, nguyên nhân thâm hụt thương mại của một quốc gia nằm ở nội tại của quốc gia đó. Thâm hụt thương mại là kết quả của một quốc gia tiêu thụ nhiều hơn sản xuất, và nó không gây ra cũng không được giải quyết bằng các hạn chế thương mại.

Hoa Kỳ và Trung Quốc chia sẻ mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Cả hai nước đều hưởng lợi từ một trật tự quốc tế mở, dựa vào luật lệ và hệ thống thương mại đa phương. Điều này đã thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và làm sâu sắc sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước châu Á, Hoa Kỳ, châu Âu và phần còn lại của thế giới. Châu Á là thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất đối với hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. Là cảng trung chuyển lớn thứ hai thế giới và là trung tâm tài chính lớn thứ tư thế giới, Singapore là trung tâm toàn cầu kết nối các nền kinh tế của châu Á và Hoa Kỳ. Singapore là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa với dòng thương mại gấp ba lần GDP. Do đó một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đối với Singapore nói riêng.

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, trọng lượng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu và thị phần thương mại thế giới đã tăng lên rất nhiều. Điều này đã làm thay đổi cân bằng chiến lược tổng thể. Nước này cũng đã đưa ra những mong đợi hợp lý cho Trung Quốc để tự do hóa thị trường hơn và đóng góp nhiều hơn cho hệ thống thương mại đa phương. Trung Quốc đã tuyên bố cam kết về duy trì sự cởi mở và chủ nghĩa đa phương. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Sáng kiến Vành đai Con đường là hai nỗ lực lớn của Trung Quốc, nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, nâng cao hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau. Tại Diễn đàn châu Á Bắc Ngao mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố kế hoạch mở thêm ngành tài chính, tự do hóa các quy tắc đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thuế nhập khẩu ô tô. Những động thái này đã được Tổng thống Trump thừa nhận và hoan nghênh.

Mặc dù hầu hết các nước Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục theo đuổi tự do hóa thương mại và kinh tế, ví dụ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - những sáng kiến này sẽ không bù đắp cho những thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra. Ngoài những tổn thất kinh tế, quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ làm cho họ khó khăn hơn trong hợp tác về các vấn đề áp lực khác như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, an ninh khu vực, không phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu. Không có vấn đề nào trong số các vấn đề này có thể được giải quyết nếu không có sự tham gia đầy đủ của cả hai nước. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào leo thang và làm mất ổn định các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, những hậu quả đối với thế giới sẽ là tai họa lớn…

Nguồn: Báo Công thương
 

 

Tin liên quan