Bạn đang ở đây

Hàng Việt còn nhiều 'đất sống'

07/04/2017 07:51:35

Theo một báo cáo về thương mại nội địa, năm 2016, các doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần 17% qua siêu thị, trung tâm thương mại; 15% qua siêu thị mini; 70% qua cửa hàng tiện lợi; 50% qua bán hàng trực tuyến, truyền hình…

Những con số đó cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam chưa đến mức quá lo ngại như nhiều ý kiến cho rằng “thị trường bất ổn, doanh nghiệp ngoại làm chủ, hàng Việt yếu thế”.

Mặc dù đã có sự hiện diện của các tập đoàn lớn Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản..., nhưng thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini của các đại gia ngoại vẫn khá nhỏ. Ngay cả với phân khúc bán hàng trực tuyến hoặc cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp ngoại cũng chưa thể làm chủ thị trường. Doanh nghiệp Việt còn rất nhiều dư địa để mở rộng các kênh bán hàng, tăng thị phần.

Hơn thế, nhiều tín hiệu cho thấy doanh nghiệp Việt đã và đang trong tâm thế cạnh tranh quyết liệt, sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại.

Saigon Co.op với 84 Co.opMart, các chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.opSmile, cửa hàng thực phẩm Co.opFood, đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtra Plus, kênh bán hàng qua HTV Co.op… đã giữ vững danh hiệu Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam - Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2016. Năm 2017, Sài Gòn Co.op không giấu tham vọng mở thêm 8- 10 Co.opMart, 1 Co.opXtra, 65 Co.opFood, 500 Co.opSmile...

Hoặc, Vingroup có tốc độ phát triển “phi mã” với khoảng 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện ích Vinmart và Vinmart+ trên khắp cả nước; dự kiến mở thêm 1.000 Vinmart+ đến cuối năm 2017.

Năm 2016, chuỗi Điện máy xanh của Thế Giới Di Động đã ghi dấu ấn tại 63 tỉnh, thành phố với 253 siêu thị, trung bình cứ 3 ngày mở 2 siêu thị. Năm 2017, Thế Giới Di Động sẽ tăng thêm 200 siêu thị Điện máy xanh, hướng về thị trường nông thôn, nơi còn nhiều khoảng trống bán lẻ…

Trên thị trường còn có một lực lượng đáng gờm khác. Theo thống kê của Nielsen, tại Việt Nam, số lượng cửa hàng tạp hóa truyền thống nhiều gấp 40 lần cửa hàng bán lẻ hiện đại, đáp ứng tới 85% nhu cầu tiêu dùng của người Việt, là kênh tiêu thụ hàng Việt rất quan trọng. Dù không được hưởng một chính sách hỗ trợ nào, kênh bán lẻ này vẫn tồn tại trước “cơn bão” các kênh bán lẻ hiện đại, bởi tính linh hoạt, thích ứng cao với thị trường.

Hàng Việt vẫn còn rất nhiều “đất sống” trên thị trường bán lẻ.

Tin liên quan