Bạn đang ở đây

Duyên chè

16/07/2014 10:27:49

Còn bản thân gia chủ lại khiêm tốn mà rằng: "Có lẽ đó cũng là cái duyên của gia đình với cây chè trên quê hương thứ hai này...".
 
Khởi nghiệpn lắm gian nan

Đúng là chẳng liên quan gì đến cây chè khi năm 1977 anh Nguyễn Văn Phấn cùng gia đình từ quê hương Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) nghèo khó dắt díu nhau lên Yên Bái xây dựng vùng kinh tế mới. Anh tham gia trong Ban hành giáo của họ giáo Âu Lâu, còn chị Đào, vợ anh - một người con của Trấn Yên lại làm ở Hội đồng giáo xứ của tỉnh.

Năm 1989, hai người nên duyên chồng vợ và về sinh sống ở thôn Châu Giang 2 - một trong những thôn khó khăn nhất lúc bấy giờ của xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái hôm nay) để lập nghiệp. Có lẽ phần vì do đất rộng, dân thưa, phần vì do địa hình của thôn cũng gần thành phố nên hai giáo dân yêu lao động ấy thấy rất hứng thú với đồi rừng, với đất và người nơi đây nên đã bắt tay ngay vào lao động. Đầu tiên cũng là nuôi lợn, nuôi gà, trồng rừng, thả cá, buôn bán phân bón... như nhiều hộ gia đình khác trong thôn vẫn làm. Sau những năm đại dịch cúm gia cầm tràn sang Châu Giang 2 cũng như nhiều thôn khác trong xã, trong tỉnh khiến cuộc sống của 4 con người trong gia đình nhỏ bé ấy liêu xiêu tưởng không gượng dậy được.

Thế rồi, năm 2010, một người bạn đã rủ anh chị chung vốn lên xã Tân Hương (Yên Bình) làm chè. Song, do hai bên đều chưa có kinh nghiệm nên giá chè mua vào, bán ra trung bình lỗ từ 500 - 1.000 đồng/kg. Làm phép nhân theo từng tháng mất toi 75 triệu đồng, kết cục sau 5 tháng anh chị bị mất trắng 350 triệu đồng tiền vốn vay ban đầu bỏ ra. Buồn bã, chán nản, cả hai cùng khóc bao đêm vì xót của, vì tiếc công rồi quyết định xách ba lô về nhà, động viên nhau bắt tay lại từ đầu.

Về nhà, hai vợ chồng chị quyết định vẫn làm chè nhưng phải làm có bài bản và chắc chắn. Với số vốn 800 triệu đồng vay ngân hàng, cộng thêm anh em họ hàng giúp đỡ, anh chị đã gây dựng lại số vốn ban đầu là 1,067 tỷ đồng. Được lãnh đạo xã tạo điều kiện và Trung tâm Khuyến công của tỉnh hỗ trợ 70 triệu đồng, năm 2011 anh chị bắt tay vào đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền máy móc trang thiết bị cơ sở. Công ty TNHH một thành viên chè Phấn Đào do hai vợ chồng làm chủ chính thức đi vào hoạt động ngay trên địa bàn thôn Châu Giang 2.

Rút kinh nghiệm từ lần làm ăn thua lỗ trước, lần này cả hai vợ chồng chị Đào cùng trực tiếp tham gia sản xuất trong dây chuyền chế biến chè như những công nhân thực thụ. Buổi sáng đúng 6 giờ vào làm việc và buổi chiều cùng nghỉ lúc 18 giờ với anh em.

Chị Đào tâm sự: "Có trực tiếp làm mới thấy nếu thuê công nhật thì đúng là không thể có lãi, do vậy chúng tôi thực hiện khoán sản phẩm cho người lao động nên đã nâng cao hiệu quả sản xuất của Công ty".  

Vợ chồng anh chị Phấn Đào (bên phải) giới thiệu các công đoạn sản xuất chế biến chè của doanh nghiệp với lãnh đạo xã Âu Lâu.

Càng khó càng phải đứng vững

"Mình là người dân sinh sống trên đất chè, không thể không dựa vào cây chè để sống. Phải làm điều gì để giúp bà con mình sống được nhờ cây chè. Dù thị trường đang nhiều biến động và khó khăn cũng không ít nhưng càng khó khăn mình càng phải đứng vững và tìm ra phương pháp tốt nhất để phát triển".

Trong gian phòng KCS được sắp xếp gọn gàng của Công ty, chị Đào đã bộc bạch tấm lòng với chúng tôi như vậy. Từ những băn khoăn, trăn trở trong quá trình đi tìm kiếm đối tác, anh chị đã tự đặt ra hàng loạt câu hỏi cho mình là: Tại sao Yên Bái là “thủ phủ” của cây chè mà sản phẩm chè trên thị trường lại bị xếp vào hàng "xấu nhất"? Ngành chè Yên Bái có nhiều nhà xưởng, doanh nghiệp lắm nhưng có doanh nghiệp làm ra lại không xuất bán được? Phải làm gì để doanh nghiệp của mình có thể trụ vững trong cơ chế thị trường? Rồi quá trình đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm, tìm bạn hàng, đối tác, họ đã lần lượt đưa ra câu trả lời cho mình.

Đó là, việc thu hái sản phẩm ban đầu của người dân không đảm bảo, một số doanh nghiệp mua bán chưa giữ chữ tín, lại không đảm bảo về kỹ thuật và mẫu mã sản phẩm, đáng lo hơn là cây chè đang bị chính người dân tự làm mai một đi do không chăm bón tốt, nhiều hộ phá bỏ chè trồng loại cây khác làm địa phương mất dần nguồn thu. Khó khăn lớn nhất lúc khởi nghiệp của anh chị Phấn - Đào chính là khâu xây dựng nhà xưởng, máy móc mà vốn lại ít, kinh nghiệm chưa có, bạn hàng, đối tác cũng chưa rõ mình là ai, có tín nhiệm, có sòng phẳng hay không. Thậm chí, đi vay vốn ngân hàng mà động nói đến kinh doanh chè là đơn vị nào cũng sợ rủi ro cao.

Vậy là vợ chồng chị xác định, phải tìm đối tác có uy tín trên thị trường. theo đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải đáp ứng yêu cầu: giao hàng đúng hẹn, mẫu mã, chất lượng phải đảm bảo ngay từ đầu vào. Khi đã tạo dựng được lòng tin, giúp đối tác yên tâm và tin tưởng, anh chị lại tập trung tìm nguyên liệu ở các địa phương cả trong và ngoài tỉnh, cũng đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng thu hái.

Bên cạnh mục tiêu là quay vòng vốn nhanh, không để hàng tồn kho, anh chị đã đi tìm gặp những cán bộ, công nhân từng công tác ở Công ty Chè Yên Bái đã nghỉ hưu về làm việc tại doanh nghiệp của mình để giúp những công nhân lao động địa phương đang làm việc tại Công ty có thêm kinh nghiệm. Đến đây, anh Phấn chỉ tay giới thiệu cho chúng tôi người phụ nữ đứng tuổi hiện đang làm cán bộ KCS của Công ty và nói: "Có chị ấy, chúng tôi rất yên tâm vì chị đã có kinh nghiệm làm cán bộ KCS của Công ty Chè Yên Bái từ năm 1974".

Vừa cẩn thận pha từng tách trà sữa nóng mời khách, cô Nguyễn Thị Sinh - cán bộ KCS của Công ty TNHH Một thành viên Chè Phấn Đào vừa giới thiệu với chúng tôi về các công đoạn kiểm tra ban đầu. Từ khâu kiểm tra thủy phần chè xuất, nội chất, ngoại hình của chè tới tỷ lệ vụn nát cho phép đều phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn Việt Nam mới được xuất xưởng bởi nguyên liệu đầu vào rất quan trọng. Rồi cô khẳng định: "Đôi này liều nhưng giỏi. Không biết gì về chè mà dám làm chè và còn làm tốt nữa là đằng khác".

Cán bộ KCS của doanh nghiệp trong công đoạn pha chế và kiểm tra chất lượng sản phẩm trà sữa.

Yêu nghề thì sẽ làm được

Có lẽ đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Bởi bất kể nghề nghiệp nào đi chăng nữa nếu không có lòng  yêu nghề thì cũng không thể làm việc được. Với vợ chồng người giáo dân tiêu biểu Phấn Đào thì điều này thật đúng. Chị Đào thì bảo: "Phải thực sự yêu nghề mới làm được. Giờ đang làm thế này mà phải nghỉ một hôm thôi cũng cảm thấy rất buồn chán. Do đó phải lo tìm và ổn định nguồn hàng, ổn định kinh tế để công nhân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp". Còn anh Phấn lại nói: "Có những xe hàng không đảm bảo chất lượng chở đến đây dù có khan hiếm nguyên liệu mình cũng không thể mua vì trước hết phải đảm bảo uy tín với bạn hàng".

Cũng chính nhờ vào uy tín và trách nhiệm với công nhân, với bạn hàng như vậy mà trung bình 1 tháng Công ty TNHH Một thành viên Chè Phấn Đào xuất bán cho đối tác từ 130 - 150 tấn sản phẩm. Nếu như năm 2011 - năm đầu tiên khởi nghiệp, Công ty xuất 600 tấn hàng thì đến năm 2012, con số này tăng lên 800 tấn, năm 2013 là 1.000 tấn và năm nay doanh nghiệp đang phấn đấu xuất 1.200 tấn hàng cho đối tác trung gian là Công ty Chè Hưng Hà (Phú Thọ), Công ty Chè Á Châu, Công ty Chè Kiên & Kiên ở Hà Nội.

Theo đó, doanh thu của Công ty cũng tăng từ 15 tỷ đồng năm 2011 lên 21 tỷ đồng năm 2012. Năm 2013, mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo con số doanh thu 18 tỷ đồng và năm 2014 này dự kiến đạt mức 20 tỷ đồng, đóng góp trung bình mỗi năm 50 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước và đảm bảo mức lương trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/tháng cho gần 30 công nhân - chủ yếu là người dân địa phương.

Chị Đinh Thị Tuyết - công nhân Công ty tâm sự: "Tôi ở cùng thôn Châu Giang 2 với anh chị Phấn Đào, nhờ có doanh nghiệp tạo việc làm mà chúng tôi ổn định cuộc sống với mức lương khoán sản phẩm trung bình 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp mở rộng và phát triển thêm để giải quyết việc làm cho bà con".

Hiện tại, với diện tích nhà xưởng 1.500m2, doanh nghiệp mới đầu tư được 15 chiếc máy hoạt động như máy tách cẫng chè, máy sàng vòi, máy hút râu sơ, quạt phân cấp, máy sàng rung, sàng bằng, máy sấy, máy cắt, máy xoa... trị giá mỗi chiếc trên 50 triệu đồng. Nếu làm ăn tốt, có sự giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, cuối năm 2014 này doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc, thiết bị, tu sửa nhà xưởng khang trang hơn để đáp ứng các nhu cầu của người lao động và thị trường kinh doanh.

Tâm sự đó bên chén trà sữa nóng của vợ chồng anh chị Phấn Đào thực sự khiến chúng tôi cảm phục. Một ngày mới lại bắt đầu. Tôi hiểu, cũng bởi say với nghề, say với hương vị ngai ngái của cây chè, với mùi thơm đặc trưng của sản phẩm trà sữa nóng nên dù đã có ngôi nhà xây khang trang ngay mặt đường nhưng hầu như hai vợ chồng anh chị lúc nào cũng có mặt 24/24 giờ ở nhà xưởng để thu xếp công việc, lấy hàng, giao hàng và cân đối thu chi trong ngày như những chú ong thợ cần mẫn, chăm chỉ để  chắt chiu giá trị của cuộc sống.

Theo Báo YBĐT

Tin liên quan