Bạn đang ở đây

Chè Shan mở hướng thoát nghèo

05/04/2017 07:45:53

Mỗi khi thời tiết thuận lợi, gia đình ông Ngân Đình Úy ở thôn Bản Van, xã Gia Hội lại cùng nhau lên nương để làm cỏ, bón thúc cho hơn 5.000 m2 chè Shan. Diện tích chè này trồng chưa được 1 năm nhưng do chăm sóc đúng cách lại phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên   sinh trưởng và phát triển rất nhanh.

Ông Úy phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi và người dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi khi được tham gia đề án này. So với các cây trồng khác, cây chè là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không mất quá nhiều công đầu tư chăm sóc. Hy vọng rằng, khi cây chè thu hái sẽ góp phần nâng cao đời sống của người dân tại địa phương”.

Toàn xã Gia Hội hiện có gần 179 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt 1.200 tấn. Với giá bán dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân tại địa phương. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, ngay khi đề án phát triển cây chè Shan thực hiện, người dân xã Gia Hội đều đồng tình hưởng ứng.

Năm 2016, người dân đã đăng ký trồng 30 ha theo chương trình hỗ trợ của đề án. Do tập trung chăm sóc nên sau gần 1 năm, cây chè Shan đều sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu, bệnh.

Năm nay, kinh phí hỗ trợ của đề án có sự thay đổi so với năm 2016, người dân chỉ còn được hỗ trợ hơn 60% tiền giống. Nhưng nhận thức được hiệu quả kinh tế từ cây chè đem lại nên người dân vẫn đăng ký trồng. Đến nay, người dân đăng ký trồng 40 ha, tăng 10 ha so với kế hoạch năm 2017 huyện giao.

Ông Đinh Khánh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hội phấn khởi cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ cây chè Shan nên đời sống của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt. Do đó, khi triển khai đề án, chúng tôi rất thuận lợi. Ngoài số diện tích đăng ký, người dân còn tự ươm hạt giống và trồng tại các hộ gia đình. Gia Hội phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích chè của xã sẽ tăng lên 400 ha”.

Đề án phát triển cây chè Shan tại các xã vùng cao được huyện Văn Chấn triển khai từ năm 2016 với quy mô mỗi hộ gia đình phải đăng ký trồng từ 0,5 ha trở lên và 2 ha trở lên đối với các nhóm hộ. Theo kế hoạch đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng mới 600 ha; trong đó, chè hạt 300 ha, còn lại là chè giâm cành.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, năm 2016, toàn huyện đã trồng 80 ha; trong đó, 60 ha chè Shan giâm cành tại xã Gia Hội và Nậm Búng, 20 ha chè Shan hạt tại xã Suối Giàng. Huyện đã chuẩn bị tốt các điều kiện để hỗ trợ cây giống cho người dân, chỉ đạo các ngành chức năng yêu cầu đội ngũ khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Theo kế hoạch, năm 2017, toàn huyện sẽ trồng thêm 140 ha; trong đó, 60 ha chè Shan giâm cành, còn lại là chè Shan hạt với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha chè Shan hạt và 10 triệu đồng/ha chè giâm cành. Huyện đã giao kế hoạch diện tích cụ thể cho các xã, đến nay, các xã vùng cao trong vùng đề án đã đăng ký trồng 121,8 ha.

“Việc phát triển cây chè Shan tại các xã vùng cao của huyện là hướng đi lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình. Đối với cây chè Shan giâm cành, sau 3 năm có thể cho thu hoạch; đối với chè Shan hạt, 3 năm mới bắt đầu khép tán và sau 5 năm cho thu hoạch, do đó, huyện chủ yếu tập trung trồng chè San giâm cành với mật độ cao, để bảo đảm về năng suất, sản lượng, mở ra một hướng đi mới nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là lời giải cho bài thoát nghèo tại các xã vùng cao của huyện” -  Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Toản đã khẳng định như vậy.

Theo YBĐT

Tin liên quan